Dài Lâu
Tĩnh Thủy Biên
Thể loại: Hiện đại, ôn nhu phú nhị đại võ sĩ quyền anh công x lạc quan hiền lành nghệ sĩ múa ballet thụ, thanh mai trúc mã, ngọt ngào, 1×1, HE
Biên tập: Nhím | Chỉnh sửa: Duy Ngã
—
02.
Giang Thâm chẳng hứng thú với điện thoại di động lắm. Có lẽ vì cậu còn nhỏ nên thích đọc Doraemon lúc rảnh hơn. Bây giờ mấy đứa nhóc học mẫu giáo đã được dạy nhận mặt chữ cả rồi, vậy nên dù chưa vào thành phố học tiểu học, Giang Thâm vẫn đọc hiểu được truyện tranh chữ nghĩa đơn giản như Doraemon.
Còn điện thoại di động ấy hả? Nghe người ta bảo trong thành phố, mấy đứa nhóc trạc tuổi cậu đều được sử dụng cả rồi cơ.
Đám bạn Mao Cẩu hơn Giang Thâm ba, bốn tuổi, đều coi điện thoại như báu vật. Hơn nữa với mấy đứa nhóc nông thôn, việc hưởng chung xài ké đồ đạc là bình thường. Nhà Thụ Bảo khá giả, được ba mẹ mua điện thoại di động cho, cả bọn Mao Cẩu thấy mà ghen tị.
Giang Thâm đã chơi cái trò nhặt trứng này từ bé. Trong đám nhóc, cậu nhỏ tuổi nhất nên được phân làm trọng tài. Cậu ngồi ở dưới gốc cây bên bìa rừng, trước mặt đặt hai cái túi, chờ đám Thụ Bảo và Mao Cẩu nhặt trứng về.
Vì cực kỳ ước ao có điện thoại di động, nên Mao Cẩu cố sức nhặt trứng đến nỗi mắt thấy đom đóm. Cả trứng gà cậu ta cũng liều nhặt luôn, khiến Giang Thâm dù ngồi ngoài bìa rừng nhưng vẫn có thể nghe thấy tiếng gà kêu cục tác hỗn loạn trong rừng. Lúc sau, Mao Cẩu tay túm vạt áo bông, co giò lao vụt tới. Túi áo bông của cậu ta căng phồng lên, nom có vẻ nhặt được khá nhiều trứng. Phía sau cậu ta là năm con gà rừng to khỏe, gà ta như mở cuộc tổng tiến công, xù hết cả lông cổ, cứ chăm chăm nhắm đầu Mao Cẩu mà mổ xuống.
Mao Cẩu muốn tránh lắm, nhưng lại sợ vỡ trứng, nên cậu ta vừa ba chân bốn cẳng thoát thân vừa la oai oái. Xui cho cậu ta, mấy con gà kia cực kì lì lợm, mổ hoài không tha. Thấy cậu ta chạy lại gần, Giang Thâm bỗng xoay mông lại cắm mặt chạy miết. Mao Cẩu thấy vậy gọi với theo: “Nhóc con kia mày chạy cái gì?”
Giang Thâm hét trả lời lại: “Gà đuổi thì em chạy chứ sao!”
Mao Cẩu bực: “Đm, sợ gì một con gà!”
Giang Thâm: “Ủa vậy anh chạy chi?”
Đến lượt Mao Cẩu cạn lời.
Cuối cùng nhờ sự anh dũng can trường của Mao Cẩu, mấy con gà rừng kia thế mà quên luôn chuyện cậu ta trộm trứng. Hình như là chúng nó cảm thấy tự hào về mình lắm, làm đỏm tạo dáng vòng qua vòng lại trước mặt Giang Thâm và Mao Cẩu cả tiếng. Mao Cẩu đi nhặt trứng tiếp, thỉnh thoảng còn bị mấy đại gia nọ mổ.
Mao Cẩu đến là tội, lông tóc đã mỏng, gà rừng còn cứ nhắm đầu cậu ta mà mổ miết, khiến đầu tóc cậu ta như rụng mất một nửa.
Giang Thâm muốn khuyên rằng vì cái điện thoại mà trọc luôn thì không đáng lắm, nhưng nhìn Mao Cẩu nỗ lực thế, cậu đành thôi không nói.
Thụ Bảo bỗng từ đâu xuất hiện, thấy con gà rừng kia thì cũng ngạc nhiên lắm, đùa: “Xem nó quấn quít mày như vậy, hay là nuôi mịa đi?”
Mao Cẩu thắng lợi nên cực kì đắc ý: “Nuôi cái khỉ ấy, ăn thì ô kê. Thâm Tử mày muốn ăn không?”
Giang Thâm: “Ba em dạy không thể ăn bậy đồ hoang dã, nhất là động vật. Phải bảo vệ chúng!”
Mao Cẩu “hứ” một tiếng: “Phiền vậy!”
Cậu ta kiếm ở đâu ra một cành liễu mềm, quấn vào cổ con gà kia, bị gà đại gia mổ thêm mấy cái. Thế mà con gà ấy cũng không quan tâm đến sợi dây trên cổ, Mao Cẩu dắt đi đâu nó theo đó.
“Đem về cho Thanh Linh Tử nuôi vậy.” Mao Cẩu vui lắm, cho Giang Thâm túi trứng của mình: “Anh cho này, buổi tối lấy trứng mà ăn.”
Giang Thâm nghe lời nhận lấy. Mao Cẩu bảo gà đại gia là do Thanh Linh Tử nuôi, nhưng rồi nó cũng sẽ được chăn thả. Mấy nhà hàng xóm sát vách còn nuôi chung một con cún, chứ đừng nói là gà.
Đám nhóc giải tán, chỉ còn lại ba người Mao Cẩu, Thụ Bảo và Giang Thâm. À quên mất, còn thêm một chàng gà mang bộ lông đỏ sẫm pha xanh bảnh tỏn nữa. Rừng cách thôn một đoạn, ba người một gà đi một lúc thì vừa hay gặp một chiếc máy cày ngang qua, thế là không đi nữa, ké xe mà về.
Trời đã về chiều mà gió vẫn lớn, cát vàng bị thổi bay đầy trời, dính đầy lông gà ta. Giang Thâm cúi nhìn tấm áo lông dày ấm mới mặc lúc sáng của mình, nhớ đến mẹ liền hơi sờ sợ. Đi một lúc rồi, chắc là gà đại gia bị lạnh, không còn sức mà kêu nữa, bèn được Giang Thâm ôm lấy. Mao Cẩu và Thụ Bảo đi hai bên cậu, ba người một gà, nhìn thế nào cũng thấy buồn cười.
Đến gần thôn thì thấy Giang Lạc Sơn – ba cậu – đang đi tìm mình.
Giang Thâm tay ôm gà đại gia, áo quần thì bị bẩn, sợ lắm, nơm nớp chào “Ba ạ”.
Ba cậu thấy Mao Cẩu với Thụ Bảo cũng bẩn y chang, chịu thua thở dài. Ông muốn quát vài câu, nhưng tự dưng lại thấy không còn sức.
Về đến nhà, trước tiên ba đứa phải tắm rửa cho sạch. Gà đại gia thì tốt số hơn ba đứa nhóc bọn cậu nhiều. Hồi trước Giang Thâm từng nuôi chim, còn giữ lại bát ăn cho chim. Mẹ cậu cho nó ăn, rồi còn chỉnh sửa lại hàng rào. Gà ta được phục vụ chu đáo, ăn no thì ngồi trên đống cỏ khô, nhắm mắt ngủ gật.
Gội đầu xong đi ra, Giang Thâm đã thấy Thụ Bảo và Mao Cẩu thay xong quần áo rồi, đang ngồi chơi ở phòng khách nhà cậu, chờ ba cậu làm trứng chần cho ăn.
“Mấy đứa hư lắm.” Mẹ cậu cho gà ăn xong thì đi vào, quở trách: “Xuân đến thì ngứa người đúng không?”
May thay Mao Cẩu vẫn còn tí tình thương: “Cháu với Thụ Bảo muốn chơi nên mới rủ Thâm Tử theo đấy ạ!”
Cô liếc con trai mình.
Giang Thâm cúi đầu ăn trứng, tỏ vẻ mình cực ngoan.
Cô thôi không trách nữa: “Thanh Linh Tử đã về rồi đó, ngồi đây chơi lâu lắm, mới vừa về thôi.”
Mao Cẩu nghe vậy, bèn khoe điện thoại di động – chiến lợi phẩm của cả một buổi chiều ra: “Để con chạy ra gọi nó lại.”
Thụ Bảo ở bên cạnh tỏ vẻ khinh bỉ cậu ta: “Mày không thấy nhục à?”
Lúc Thanh Linh Tử quay lại, trứng chần vừa lúc chín tới. Bé gái bảy tám tuổi chững chạc hơn bé trai cùng tuổi một chút. Thấy anh mình ăn to nuốt lớn, bé tỏ vẻ ghét bỏ.
Nhà Mao Cẩu chiều chuộng cô con gái này cực kì. Xuân vừa đến, Thanh Linh Tử đã diện váy mới. Cô bé ôm tập vẽ, nhẹ giọng gọi: “Thâm Tử.”
Giang Thâm ngẩng đầu lên từ bát trứng: “Hả?”
Thanh Linh Tử muốn ngồi bên cạnh cậu. Thụ Bảo chiều em gái, bèn cầm bát đứng lên. Lúc cô bé ngồi xuống, còn phải hất vạt váy, xong xuôi mới tỏ vẻ trịnh trọng: “Hôm nay mình vừa vẽ xong một bức tranh.”
Giang Thâm vừa lau miệng vừa đáp: “Vậy cho mình xem xem.”
Thanh Linh Tử chỉ chờ câu này thôi, cẩn thận lấy bản vẽ mình giấu sau lưng ra. Mao Cẩu tò mò nhìn rồi tiếp tục ăn trứng, không quên khinh bỉ em mình: “Chả phải quý hiếm gì, sao mày cứ căng thẳng thế?.”
Thường ngày Thanh Linh Tử vốn đã không hòa thuận với anh trai mình. Mặc dù Mao Cẩu sẽ không bắt nạt cô bé giống như anh trai người ta,; cậu ta cũng không có gan vứt màu vẽ hay xé vải vẽ tranh sơn dầu, nhưng bé vẫn ghét anh mình quá thô lỗ..
Bé còn không thích anh trai lúc nào cũng nghịch ruộng và leo trèo nhảy nhót, quần áo chẳng lúc nào tươm tất, có khi giày cả tuần không giặt. Đã vậy cậu ta còn không chăm chỉ học hành, lúc nào cũng đội sổ, viết văn còn lẫn cả giọng địa phương. Lúc trước học cùng trường, Thanh Linh Tử cảm thấy có anh trai như vậy rất mất mặt, gặp Mao Cẩu là lơ.
Béthích chơi cùng Giang Thâm nhất trong số anh em bạn bè cùng thôn.
Đối với cô bé, bức tranh này là báu vật. Giang Thâm biết thế, nên cầm lên xem rồi đặt xuống hết sức cẩn thận. Hôm nay Thanh Linh Tử vẽ về chủ đề mùa xuân Giang Thâm xem tranh thực sự là chỉ xem thôi, cậu vốn không hiểu ý nghĩa của bức tranh này lắm.
Thanh Linh Tử dè dặt hỏi: “Đẹp không anh?”
Giang Thâm gật gù: “Đẹp lắm.”
Bé nghe vậy thì vui lắm. Thấy anh trai mình cũng muốn xem, cô bé liền đẩy cậu ta ra..
Mao Cẩu bực lắm: “Thế tháng trước ai cho mày tiền tiêu vặt để mua màu vẽ ấy nhỉ?”
Cô bé đấm đấm nắm tay nhỏ vào người anh trai: “Thế anh làm hư giày, em cũng lén mua lại cho anh đó thôi! Mà anh tự đưa em tiền mua màu vẽ chứ bộ!”
Mao Cẩu vẫn không phục: “Nhỏ nhen!”
Thanh Linh Tử cẩn thận cất tranh đi, lè lưỡi trêu chọc cậu ta, rồi từ tốn ra về.
Thụ Bảo nhìn theo bóng dáng cô bé: “Một hộp màu vẽ thôi mà, mày tính toán chi li thế?”
“Sao không tính toán cho được?” Trong miệng Mao Cẩu hãy còn nhai trứng, lớn giọng đáp: “Có mỗi một em gái út, nó muốn gì chiều nấy. Thâm Tử ơi mày không biết đó thôi, anh mày mua hộp màu kia mà cảm giác phải bù lại 500 con gà mới đủ! Màu gì đắt thế!”
Vừa nhắc đến gà, gà đại gia liền xuất hiện. Không biết gà ta tỉnh lúc nào mà đang cục tác liên hồi.
“Ôi đệt, làm anh mày sợ đó!” Mao Cẩu ôm ngực, tỏ vẻ hoảng sợ: “Nó nhận ra anh mày không nhỉ? Có khi nào cứ thấy anh là nó mổ không?”
Thụ Bảo phũ phàng: “Nhìn mày còn ngu hơn con gà kia nhiều! Ăn trứng thì ăn cho xong giùm đi!”
—
Nếu so sánh với mấy gia đình có điều kiện, thì máy gieo hạt của nhà họ Giang cực kỳ thô sơ: máy đã nhỏ, tốc độ lại còn chậm. Cùng một mẫu đất, nếu dùng máy gieo hạt nhà người ta thì chỉ cần một lượt gieo; còn nếu dùng máy gieo nhà họ Giang, thì mất những ba lượt.
Hằng năm vào lúc gieo hạt, Giang Thâm cũng sẽ trông coi ở ngoài ruộng. Hông cậu treo cái cuốc, tay cậu cầm cái xẻng sắt, nhìn đến là oai. Đừng tưởng cậu mang vậy để làm bộ: nếu gặp mẫu ruộng nào xấu, cậu cũng sẽ xuống giúp gieo hạt đấy.
Bởi vì phải chạy tới chạy lui nên ủng cậu dính đầy bùn. Ba cậu dừng xe, ngoảnh lại nói chuyện với cậu.
“Mệt không con?” Ông ôm con trai lên, cho cậu ngồi ở lốp xe trước, rồi đưa bàn chải để cậu làm sạch bùn.
Giang Thâm cười: “Không ạ.”
Ba cậu cũng cười. Ông chưa già, còn chưa đến bốn mươi tuổi., nhưng vì làm việc vất vả, cả ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nên nét vất vả lộ rõ trên gương mặt ông.
“Tháng 9 ba sẽ cho con đi học.” Ba cậu đột ngột bảo: “Ba nhờ người ta cho con vào lớp 1-3 rồi đấy.”
Tuy rằng Giang Thâm còn bé, nhưng cậu vẫn hiểu nhà mình không khá giả gì. Cậu cau mày im lặng, tay nghịch cái cuốc bên hông.
Ba cậu lại hỏi: “Nghe mẹ bảo con muốn học múa hả?”
Giang Thâm hơi sợ, không dứt khoát thừa nhận ngay. Cậu lặng yên một hồi, mới bật ra một tiếng lí nhí: “Dạ.”
Ông thở dài. Con trai thế nào, người làm cha nào lại không hiểu. Tiếng “Dạ” nghe nhẹ tênh thế, nhưng lại mang sức nặng tựa ngàn cân.
“Học múa thì cũng được thôi. Nhưng không được đọc truyện tranh nữa.” Ba cậu nửa đùa nửa thật: “Tiền tiêu vặt của con cũng phải tiết kiệm để còn nộp học phí.”
Nghe ba nói vậy, Giang Thâm mới nhớ ra còn ít tiền trong túi áo. Cậu vội vàng lấy tiền ra đưa cho ông. Việc ấy như tiếp thêm dũng khí cho cậu, cậu nhìn ba, nghiêm túc nói: “Sau này con không đọc truyện tranh nữa đâu.”
Giang Lạc Sơn nhìn xấp tiền lẻ trong tay, nghẹn ngào không thốt nên lời. Hồi lâu, ông ôm con trai từ bánh trước xuống, đưa tay xoa đầu con, động tác có phần cứng nhắc: “Mai con với mẹ vào thành phố mua giày đi.”
—
Lời của Ngã: Ấm lòng tình thương của mẹ cha ghê…
— Hết chương 02—
<— Chương trước — Mục lục — Chương sau —>
3 thoughts on “[Dài Lâu] _ 02.”